Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

SÁCH VỀ CÁI CHẾT, HÀNH TRANG CHO CHƯƠNG MỚI TRONG CUỘC ĐỜI

Một ngày rất đẹp, thật không thích hợp để nói về sự chết. Nhưng sinh lão bệnh tử, vòng tuần hoàn bất tận của sự sống ấy, chưa khi nào đình công mà ngừng nghỉ.
Con người chúng ta thì cứ mải buồn mỗi độ Tết đến, xuân về lại thêm một tuổi, mà lãng quên mất rằng, giây phút vừa trôi qua, từng thế bào, từng hơi thở của ta đã trưởng thành thêm một chút.
Cái chết là một thứ chứa đầy tò mò, huyền ảo, nhưng cũng là một cái gì đó mà ai cũng gượng gạo, lảng tránh khi nhắc đến. Ngày nay, sự phát triển y học giúp con người chúng ta chinh phục dần những giới hạn của thể xác sinh học, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận thứ quyền năng vô song ấy vẫn còn là hữu hạn.
Để tôi giới thiệu bạn nghe câu chuyện về cuộc đấu tranh không hề bình đẳng của loài người qua hai cuốn sách “Ai rồi cũng chết!” của tác giả Atul Gawande và “Hiểu về sự chết” của tác giả Sherwin B. Nuland. Điểm chung của hai cuốn sách là đều đề cập về cái chết, và cùng được dẫn dắt dưới ngòi bút của hai bác sĩ phẫu thuật.
“Hiểu về sự chết” là cuốn sách giúp chúng ta có cái nhìn khách quan để hiểu hơn về cảm giác của bệnh nhân lẫn người thân về những gì đã trải qua trong hành trình ấy.
Tác giả Sherwin B. Nuland chọn viết về sáu loại bệnh phổ biến, với những đặc điểm được xem là đặc trưng cho tiến trình dẫn đến cái chết. Chết đơn giản là sự đình công bỏ việc của hệ tuần hoàn, là hiện tượng thiếu sự vận chuyển oxy tới các tế bào, là sự lụi tàn dần của chức năng não bộ, là sự suy yếu của các bộ phận cơ thể và cuối cùng, là sự phá hủy các tế bào sống. Toàn bộ hiện thân của cỗ máy tinh vi sụp đổ.
Bên cạnh việc định nghĩa về cái chết, cuốn sách giúp người đọc đồng cảm được nỗi đau, sự cô đơn, hoang mang, niềm tiếc nuối của người đang trải qua nó, và trân trọng hơn những giây phút ta đang được sống bên người thân.

Bản thân cái chết không phải lúc nào cũng đẹp như trong thơ ca, phim ảnh. Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể lựa chọn được hành trình ấy sẽ thế nào, nhưng chúng ta có thể lựa chọn sống ra sao, để khi đối diện với hành trình đơn độc ấy, ta không tiếc nuối về những xích mích chưa được giải quyết, những mối quan hệ chưa được chữa lành, những lời hứa còn bỏ ngỏ... “Phẩm giá mà chúng ta tìm kiếm trong cái chết phải được tìm thấy trong phẩm giá của cuộc đời mà chúng ta đã sống.”
Cuốn sách cũng là sự trăn trở, là niềm tin, là chọn lựa, là cảm xúc của người làm nghề y trước bệnh nhân trong thời khắc khó khăn ấy. Sự lão hóa, cái chết vẫn là một thất bại của y học hiện đại. Nghề y có lẽ là một trong số ít những nghề được chứng kiến đầy đủ những cung bậc cảm xúc của cả một đời người.

Cũng bàn về cái chết, “Ai rồi cũng chết!” của bác sĩ Atul Gawande đề cập đến sự mong manh trong sinh mệnh một đời người, là câu chuyện về những giới hạn của y học hiện đại, tuy sẵn lòng kéo dài sự sống của con người, nhưng lại khiếm khuyết trong việc giúp chúng ta chuẩn bị cho cái chết – thứ vốn dĩ không thể tránh khỏi.
Thuận theo tự nhiên hay chống lại bệnh tật và cái chết. Lỗ hổng lớn của ngành y trong việc chăm sóc người cao tuổi chính là việc chúng ta lãng quên đi sự hiện diện của người cao tuổi, và thấy lão hóa là một cái gì đó rất hiển nhiên. Chúng ta cũng quên mất người cao tuổi cũng có cảm xúc, có những mối quan tâm và nguyện vọng cho những năm tháng cuối đời của mình.
Nếu với người trẻ là chữa khỏi bệnh, thì với người cao tuổi đó là chữa trị, chăm sóc tổng thể kết hợp các biện pháp dự phòng để người cao tuổi cảm thấy thoải mái và được tôn trọng.
Việc chấp nhận tuổi già là một điều khó khăn mà mỗi người cao tuổi đều trải qua, nhưng rõ ràng là họ không thực sự sợ chết, đơn giản bởi cuộc sống tích lũy sự từng trải, họ dễ dàng chấp nhận hơn và chuẩn bị cho chuyến hành trình mới của cuộc đời. Như tác giả Atul đã viết, những người già không sợ cái chết, họ chỉ sợ những điều sắp xảy ra khi cận kề điểm cuối của cuộc đời, sợ rụng răng, sợ đãng trí, sợ mất đi những mối quan hệ bạn bè, sợ trở thành gánh nặng cho con cháu…

Một phần trong cuốn sách, tác giả đề cập đến khái niệm “nhà trợ sinh”, “viện dưỡng lão”, những khái niệm rất mới trong quan niệm của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, trong tương lai, người cao tuổi Việt Nam có lẽ cũng sẽ dần tiếp cận và lựa chọn sự trợ giúp từ các nhân viên của dịch vụ này.
Một vấn đề khác cũng chưa có ở Việt Nam, và vẫn là tranh cãi trên thế giới, đó là việc “lựa chọn đấu tranh với bệnh tật hay là chết không đau đớn.” Nếu bạn đã xem phim hay đọc truyện “Me before you”, thì chắc các bạn đã hiểu, đây là lựa chọn không hề thoải mái đối với người ở lại. Khi còn khỏe, có lẽ chúng ta không hiểu về lựa chọn này, nhưng khi chăm sóc người thân ốm, mình đã nhớ đến bác sĩ Atul từng viết “điều mà con người thực sự cần không chỉ có thế. Con người không chỉ tồn tại, mà họ muốn mình sống khỏe. Con người ta ham sống khi và chỉ khi họ được sống một cuộc sống khỏe mạnh và vui vẻ. Những điều này không chỉ quan trọng khi người ta sắp chết, hay khi họ đã già yếu suy kiệt, mà chúng quan trọng trong suốt cuộc đời con người.”

Đôi khi cuộc sống bắt buộc chúng ta phải đưa ra quyết định. Quyết định sẽ làm gì để chúng ta không phải hy sinh bất cứ thứ gì chúng ta yêu thích, để những giờ phút chuyển giao ấy chỉ đơn giản là sự bình yên thanh thản, hay đôi khi, là một quyết định khó khăn hơn rất nhiều, quyết định tôn trọng lựa chọn của người thân, cho dù lựa chọn ấy với chúng ta có hợp lý hay không.

Giống như bác sĩ Sherwin B. Nuland, bác sĩ Atul Gawande cũng trăn trở với câu hỏi: “Sứ mệnh của ngành Y là gì ngoài việc cải thiện sức khỏe con người…” Nhưng nếu như việc đó là ngoài khả năng, vậy thì ngành Y có thể làm được gì tốt nhất để giúp người ta đạt được những ước nguyện đơn giản nhất.

Khi sinh mệnh đang là vô hạn, sức sống dồi dào, người ta thường thích lôi “cái chết” ra làm kẹo cao su mà nhai cả ngày không dứt. Trong suốt hành trình ấy, mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng, một lối đi riêng, một cách làm riêng và một tốc độ riêng để đi tới cuối hành trình. Mỗi cuộc đời đều có một giấc mơ, hãy cứ mạnh dạn cháy đến giọt sáp cuối cùng một cách rực rỡ nhất, để đến khi nhìn ra huyền cơ thì có thể ung dung nắm tay tử thần như nắm tay tình nhân trong mộng.

Được sống dài lâu là một món quà vô giá, bởi ta có cơ hội bước lên nhiều vấp ngã và viết nên câu chuyện thật riêng về cuộc đời một cách tuyệt vời và ý nghĩa nhất. Sống khi ta có thể vì, ngày mai không phải lúc nào cũng đến.

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức giấc
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

P/s: Mỗi lần đọc lại “Ai rồi cũng chết”, trong tôi luôn có những trăn trở không biết phải đối diện như thế nào. Ai cũng có cha mẹ. Ai may mắn sẽ được đồng hành cùng tuổi già của cha mẹ. Biết là một chuyện. Hiểu lại là một chuyện khác. Chia sẻ với cha mẹ những tâm nguyện của cha mẹ lại là một chuyện khác nữa. Và chúng ta đã chuẩn bị được gì nếu ngày ấy đến lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Mỗi một người con chợt không còn là “người con” nữa khi một ngày mẹ cha không còn bên cạnh ta.

2 nhận xét:

  1. kinh nha ....bài dài thế này tác giả phải ngẫm bao ngày mới ra chứ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aida, lâu phết rồi đấy, lựa mãi mới tìm được ngày để hoàn thiện và xuất xưởng em ấy, bởi khó gọi tên chủ đề này quá :P

      Xóa

CÓ LẼ BẠN NÊN GẶP "BÁC SỸ TÂM LÝ"

Ngày nay, khi sức khỏe tinh thần là một vấn đề lớn của xã hội, thì mỗi khi chúng ta, chắc hẳn cũng ít nhất một lần trong cuộc đời đã từng, h...