Tôi đến xứ Nẫu ngay trước cơn bão số 5 vài ngày. Trước bão, trời xanh thăm thẳm, mây trắng tinh khôi, ánh nắng rực rỡ, biển yên bình, mênh mông và đẹp đến nao lòng.
Chuyến công tác này tôi có một ngày rảnh rỗi và một ý tưởng vô tình xẹt ngang trong tích tắc “xách xe lên và khám phá Quy Nhơn thôi”. Ý tưởng vừa đến, miệng đã thuê xe và tay thì cầm chìa khóa. Ok, đi thôi, chờ chi.
Địa điểm đầu tiên tôi đến là tháp Đôi, nơi dấu tích nền văn hóa Chăm nằm lặng lẽ trong lòng thành phố. Theo truyền thống các cụm tháp Chăm cổ thường có ba tháp, nhưng vì một nguyên nhân nào đó chưa biết được, và có lẽ vĩnh viễn không biết được, đã làm việc xây dựng tháp thứ ba bị gián đoạn. Cả hai tòa tháp đã được các chuyên gia trùng tu lại vào những năm 1990, khôi phục lại một phần hình dáng xa xưa.
Lòng vòng chạy xe thẳng ra hồ sinh thái Đống Đa. Nếu chỉ hơn 10 năm trước, đây là nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão của các địa phương trong tỉnh, thì ngày nay hồ đã được cải tạo thành một không gian yên bình mang đậm phong cách xứ Nẫu với combo đặc sản xứ Nẫu: trời xanh và hoa giấy.
Rời hồ sinh thái, quay xe lướt ngang khuôn viên công viên Nguyễn Tất Thành, tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành. Nếu không đến Quy Nhơn, có lẽ tôi đã quên mất đây là nơi chứng kiến phút biệt ly lịch sử giữa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bác Hồ, để hơn 30 năm sau, khi bác trở về thì đã không thể gặp được cha nữa.Rời tượng đài, tôi chạy xe xuống núi Vũng Chua - ngọn núi cao nhất trong 3 ngọn núi ở Quy Nhơn. Đường lên núi khá hoang sơ, hơi hẻo lánh, vắng bóng người nhưng di chuyển dễ dàng vì đã được bê tông hóa. Tuy dốc không quá cao nhưng cũng khá ngoằn ngoèo kèm theo dăm ba khúc cua gấp. Vượt qua từng ấy gian nan, quang cảnh đỉnh núi mở ra trước mắt như một món quà Quy Nhơn dành tặng riêng cho du khách. Đường lên núi không quá khó với những tay lái liều lĩnh, nhưng với một bánh bèo loạn thị như tôi thì có đôi chút run rẩy. Nhưng mà, bạn tin tôi đi, thứ bạn được chiêm ngưỡng, thực sự rất xứng đáng. Từ đỉnh Vũng Chua, nếu bạn mới chỉ nhìn toàn cảnh thành phố với bãi biển nửa vầng trăng thì bạn đã bỏ qua một góc Quy Hòa với mặt biển dâng cao tưởng như vươn tay là với tới. Cảnh vô cùng đẹp, nhưng tôi chụp thì quá tệ, vì tôi đang mải gom tất cả dũng cảm của mình để đưa người và xe xuống núi.
Điểm tiếp theo trên hành trình quay về trung tâm thành phố là Ghềnh Ráng – Tiên Sa, nơi có mộ thi sỹ Hàn Mạc Tử và bãi tắm hoàng hậu trong truyền thuyết. Chẳng hiểu sao thiên hạ có thể kiếm được viên đá trứng to bằng người, còn tôi thì chỉ kiếm được viên bằng nửa body mình thôi, hay phải chăng là tôi quá lớn so với quy định của đá nơi này. Thôi thì chẳng chụp tôi nữa, chỉ chụp đá thôi.
Chiều buồn, dông xe tìm đường chạy đến núi bà Hỏa để ngỡ ngàng nhận ra ngọn núi đang bị băm nát bởi công trình xây dựng ngay tại đây, thôi thì vòng xe xuống cầu Thị Nại cho chuẩn chất con dân xây dựng, và rồi bắt gặp tượng đài Quang Trung ngay giữa thành phố. Giữa dòng chảy vô tình của thời gian tôi đã quên mất đây là đất võ, là quê hương idol thời thơ ấu của tôi.
Nếu có một điều để nói về xứ Nẫu, đó là người dân hiền hòa và mến khách. Tôi vẫn còn nhớ bị lạc trên đường quay trở lại thành phố, đã được người dân tận tình chỉ đường, soi đèn cho tôi quay về. Thật có lỗi vì đã không kịp hỏi tên hay nhớ địa chỉ của chủ nhà, chỉ nhớ được là ngay gần cửa hàng xăng dầu số 18, nhưng nếu tôi biết, tôi chỉ còn cách tháp bánh Ít có hơn 1km xíu thôi, thì có lẽ tôi đã lựa chọn một phương án khác để ngắm bình minh từ ngọn tháp này. Tuy không ngắm được bình minh, nhưng tôi vẫn kịp chụp lại ráng mây này, vì mải đuổi theo nó mà tôi mới bị lạc đường.
Chỉ là chút cảm nhận của tôi về xứ Nẫu mà thôi. Tôi sẽ quay lại để đi ngắm núi Xuân Vân mà tôi đã bỏ sót, công viên tượng danh nhân, làng phong Quy Hòa, một Coffee Pumbaa hay xa chút là Life’s Beach. Ồ, còn tượng cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ngay gần đại học Quy Nhơn nữa chứ.
P/s: Bài viết chỉ mang tính chất lưu giữ hồn xứ Nẫu trong chuyến công tác này của riêng Bee thôi. Tôi muốn viết về một xứ Nẫu khác không có Kỳ Co, Eo Gió, một xứ Nẫu bình yên giữa những ngày vội vàng của tôi. Một xứ Nẫu đã cùng tôi chung một ký ức khi trở về...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét