Con đường Hồi giáo, cuốn du ký ghi lại những trải nghiệm của tác giả Nguyễn Phương Mai tại 13 nước Hồi giáo ngay sau “Mùa xuân Ả Rập” - một biến cố, một sự kiện được đánh giá là một trong những chương đáng lưu tâm nhất trong đời sống quốc tế của thế kỷ 21.
Thực ra đối với tôi và có lẽ với phần lớn thanh niên Việt Nam, “Mùa xuân Ả Rập” là một cái gì rất mơ hồ, và gần như không có ký ức, có chăng chỉ là chúng ta đã từng gặp, từng nghe về cha, chú mình, hay một ông bác hàng xóm nào đó trở về từ Kuwait, Iran hay Liban.
“Mùa xuân Ả Rập” là một chuỗi sự kiện bùng nổ từ cuối tháng 12/2010 đến đầu năm 2011 với hàng loạt các cuộc chính biến, cách mạng đường phố để lật đổ chính quyền bắt đầu từ Tunisia và Ai Cập rồi lan rộng tới nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông.
“Mùa xuân Ả Rập” tràn qua với tổng thiệt hại về kinh tế của các nước Arab lên tới hơn 600 tỷ USD, hơn 22 triệu người thất nghiệp, tổn thất về cơ sở hạ tầng lên tới 461 tỷ USD, còn có 15 triệu người phải di tản và 1,3 triệu người chết và bị thương.
Sự suy yếu của các chính phủ, đồng thời với sự hà hơi tiếp sức đầy toan tính của các thế lực bên ngoài đã mở đường cho sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đầu tiên trên thế giới, với quy mô vượt trội hơn cả tổ chức khủng bố Al Queda. Mùa xuân phút chốc đã biến thành khởi đầu cho sự tàn lụi của nội chiến, của chiến tranh, của đau thương và đói khổ, của tình trạng khủng bố, cực đoan gia tăng... và vẫn đang âm ỉ tiếp diễn đến tận ngày nay.
Trung Đông trong tưởng tượng của tôi là những điệu múa bụng bí ẩn, uyển chuyển, ma mị quyến rũ đến mê hoặc, là chàng lữ hành Ageha trong truyện tranh Basara của Tamura Yumi, là nàng Scheherazade xinh đẹp thông mình vẫn đang chìm đắm trong câu chuyện nghìn lẻ một đêm không hồi kết…
Bởi Trung Đông quá xa lạ, thông tin thì ít ỏi, đa phần là những mảnh ghép rời rạc của một bên là định kiến, súng ống, bạo loạn và bom đạn, một bên là hào nhoáng, xa hoa lộng lẫy… nên tôi đã gần như bị lạc vào một Trung Đông rất khác lạ, cũng rất gần gũi qua những trang sách của tác giả Nguyễn Phương Mai.
Trong 8 tháng, tác giả đã đi qua 13 nước, hành trình từ Ấn Độ đến Tây Ban Nha. Bằng lối viết chân thực, cuốn hút, đôi chút dí dỏm đan xen, tác giả đã kể lại những câu chuyện cùng vô vàn thông tin mới lạ về các quốc gia mà cô đặt chân tới. Mỗi quốc gia, một nền văn hóa khác nhau như tấm thảm đa màu sắc của nghìn năm lịch sử giằng chéo với hiện tại, nơi mà tôn giáo ăn sâu vào văn hóa cũng như quan niệm và cách ứng xử của người dân, nơi mà những giá trị không dễ dàng phán xét đúng sai.
Theo từng trang sách, tôi mới nhận ra chúng ta đã có cái nhìn phiến diện thế nào về con người nơi đây. Như tác giả từng viết, chúng ta cần trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung, hãy để đầu óc trống rỗng, để trái tim mình rộng mở, để tâm hồn, nhận thức được phủ kín, được lấp đầy và được đổi thay.
Sự dũng cảm, gan dạ, liều lĩnh của chị đã mở ra những góc nhìn đa chiều, đồng thời phá bỏ những định kiến về một Trung Đông đầy huyền bí. Thế giới vốn không có trắng đen rạch ròi, không có quốc gia văn minh hoàn toàn, cũng không có đất nước hủ lậu hoàn toàn. Con người cũng không chỉ có thiên thần và ác quỷ.
Thế giới phức tạp, tươi đẹp và hỗn loạn, nhưng khi bị đưa lên truyền thông và internet thì chỉ còn lại những lát cắt ngắn ngủi, đơn giản, có lẽ vì chúng ta hình như chỉ đủ thời gian để tiêu hóa những gì đơn giản và ngắn ngủn. Thông tin bị lọc qua mạng xã hội và hệ thống báo chí chỉ để lại những chi tiết sốc nhất, những con chữ có in đậm với tính chất đập vào mặt, và những hình ảnh đạt tiêu chuẩn không cần đọc lời bình, liếc thôi vẫn có thể đưa ra kết luận.
Cuốn sách thực sự rất bổ ích giúp chúng ta thay đổi những định kiến cố hữu, đồng thời có cái nhìn đa chiều về đất nước và con người Hồi giáo. Điều đáng tiếc duy nhất là những thông tin trong sách có thể không còn sát với hiện tại nữa, vì chuyến đi của tác giả diễn ra ngay sau sự kiện mùa xuân Ả Rập, một sự kiện đã diễn ra cách đây gần một thập kỷ.
Trung Đông, mảnh đất vỏn vẹn 7 triệu kilomet vuông, điểm khởi nguồn của 3 tôn giáo độc thần lớn nhất trên Trái Đất: Do Thái – Kito Giáo và Hồi Giáo, ba tôn giáo cùng thờ một tổ phụ – Abraham. Nhạy cảm về tôn giáo là nguyên nhân chính của bi kịch không ngừng nghỉ suốt 3.000 năm lịch sử với hàng loạt cuộc chiến tranh tàn khốc đẫm máu.
Và khi tôi ngồi đây viết những dòng này, máu vẫn không ngừng nhuộm đỏ Trung Đông…
Trong những ngày này, Mỹ và các nước đồng minh đang nỗ lực sơ tán công dân và nhân viên người địa phương khỏi Kabul, sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Afghanistan.
Hàng trăm nghìn người dân Afghanistan hoảng loạn chạy trốn, tạo ra một cơn khủng hoảng tị nạn lớn tính theo giờ. Afghanistan lại một lần nữa trở thành nơi thử nghiệm mà các đế chế đem quân tới trong hiên ngang và rút lui trong vội vã.
Một chương lịch sử mới cho Afghanistan, đất nước vẫn đang oằn mình trong sự chia cắt tôn giáo, định kiến và chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét